Tình cờ có dịp trò chuyện với những nhân sĩ Hà thành vào đúng dịp đầu năm trong không gian xanh của Ecopark mới thấy, điều thú vị là dường như không gian sống mới cũng đã mang lại những nét tươi mới cho cuộc sống vốn đã rất thi vị của những người nghệ sĩ.
Gặp NSND Đỗ Doãn Châu đúng dịp đầu năm tết tây cuối năm tết ta. Một cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu, như cách hỏi chuyện kề cà quen thuộc của cánh nhà báo chúng tôi cho các bài chuyên mục văn nghệ số tết trên báo. Cuộc phỏng vấn dự định để giới thiệu về chân dung của "một cây đa cây đề" trong ngành thiết kế sân khấu Việt Nam, cuối cùng lại xoay sang chuyện về không gian sống mới của ông, nơi gia đình ông chuyển đến ở từ tháng 5/2014: khu đô thị Ecopark.
Có lẽ ông thật sự hài lòng với không gian sống mới này, bởi cái cách ông thích thú khi miêu tả về một cuộc sống chậm hơn, thảnh thơi hơn, thư thái hơn, và sạch hơn. "Cô nghĩ mà xem, sống giữa lòng phố cổ cả đời mấy chục năm nay rồi, đến giờ tôi mới có được cái cảm giác các giác quan được giải phóng. Thế này nhé, tầm mắt được phóng ra xa, tai nghe được tiếng chim hót ríu ran buổi sớm, tiếng lá cây xào xạc ban trưa, khứu giác cảm nhận được không gian trong lành tinh tươm. Như vậy có thể nói mình có thêm được một cuộc sống nữa".
Nghệ sĩ Doãn Châu hoàn toàn hài lòng với không gian sống mới
Rồi ông kể về các "làng xóm láng giềng" của mình. Hóa ra tại Ecopark đã hình thành một cộng đồng văn nghệ sĩ với những tên tuổi lão làng: nghệ sĩ Trần Quý, ca sĩ Minh Đức, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà văn Bùi Bình Thi, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ... Ông Châu dí dủm nói cái xóm văn nghệ sĩ "xịn" của ông cũng đã đông vui đủ để ông phát huy sở trường tổ chức (ông vốn là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) của mình rồi đây : "Tôi rất muốn tổ chức những buổi diễn sân khấu, những trại sáng tác tranh, giao lưu nghệ thuật tại chỗ. Với lực lượng văn nghệ sĩ "sở tại", chúng tôi thừa sức làm các hoạt động văn hóa này, mà hẳn như một trung tâm nghệ thuật chuyên nghiệp đẳng cấp". Với những cư dân có nghề nghiệp đặc thù như ông Châu, nơi sống vẫn rất cần gắn liền với những hoạt động nghề. Hàng ngày các ông vẫn vẽ, vẫn tiếp tục sáng tạo không ngừng nghỉ, bởi nghệ sĩ làm gì có tuổi, làm gì có chuyện nghỉ ngơi về khi hưu. "Nếu Ecopark có được một trung tâm văn hóa, thì vừa thỏa mãn sự say nghề không bao giờ cạn của người nghệ sĩ như chúng tôi, vừa làm cho đời sống văn hóa của cộng đồng ở đây được phong phú hơn, đẳng cấp hơn chứ nhỉ", ông Châu nhận xét thêm.
Vòng quanh "xóm nghệ sĩ" của ông Châu, chúng tôi tới thăm gia đình nhà văn Bùi Bình Thi. Ông cùng vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ hiện đã về ở tại căn hộ D1- 801 từ hơn năm nay. Ông bà là thân sinh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà thiết kế thời trang Bùi Thanh Thủy. "Nhà tôi ở đây giờ quây quần vui đáo để, căn hộ của con gái ở sát cạnh, làm xưởng vẽ luôn. Nhà anh Chuyên cũng không ở Ngọc Khánh nữa mà chuyển hẳn sang đây ở rồi", bà Mỹ vui vẻ cho biết. Nhà của họa sĩ, tranh treo kín tường. Bà Mỹ nổi tiếng là họa sĩ vẽ tĩnh vật, đặc biệt là những tác phẩm hoa. Bà còn cho tòa nhà mượn tranh treo ở sảnh khu căn hộ để "dân cư hàng xóm cùng ngắm cho đẹp đời!". Còn nhà văn Bùi Bình Thi thì đang sáng tác một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Một không gian yên tĩnh và không giới hạn tầm mắt quả là rất cần thiết với ông lúc này. Vì thế với ông, để nói về không gian sống nơi đây, ông chỉ cần ngắn gọn một câu: "Nơi đây đáng sống đấy!".
Phải rồi, "sống chậm" đang là một xu hướng sống tích cực được thế giới hướng đến. Không phải tự nhiên mà trong các tour du lịch Hàn Quốc, du khách luôn được giới thiệu tới thăm một ngôi làng "sống chậm" điển hình như làng Hanok, nơi được công nhận danh hiệu "Thành phố sống chậm", nằm trong "Mạng lưới Thành phố sống chậm" (tổ chức được thành lập từ 10/1999 tại Italy). Những thành phố "sống chậm" này là những nơi có nhịp sống bình yên, thư giãn, lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng. Bởi vậy mà chúng luôn là niềm niềm tự hào của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Với nhịp sống thư thái, xanh tươi ở Ecopark, điều mà những cư dân đang sống nơi đây kỳ vọng, đó là thành phố sẽ duy trì và tiếp tục phát triển được những giá trị riêng của mình, để luôn nhận được sự đánh giá chân thành của chính những người gắn bó với chốn này, là nơi "Đáng sống".
Căn hộ của họa sỹ Nguyễn Thị Mỹ tràn ngập các bức tranh. Với bà, vẽ hoa như một ám ánh, như một sự theo đuổi tình yêu