10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2016
(VNF) - 2016 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của thị trường bất động sản với số lượng dự án mở bán khá lớn, tỷ lệ giao dịch thành công tương đối cao và dòng vốn vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường. Dưới đây là 10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2016 do VietnamFinance bình chọn.
1. Bất động sản nghỉ dưỡng thăng hoa
Năm 2016 được xem là năm bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng khi thị trường liên tiếp chứng kiến sự ra đời của hàng loạt siêu dự án có quy mô đầu tư hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Không còn bó hẹp tại một số địa phương như trước, năm 2016, cơn sốt bất động sản nghỉ dưỡng đã lan ra toàn quốc, trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa qua Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết xuống đến Vũng Tàu, Phú Quốc và lên cả Vĩnh Phúc, Sapa với sự góp mặt của đầy đủ “ông lớn”: Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, BRG Group, FLC… và hàng trăm doanh nghiệp khác.
Hai loại hình sản phẩm được phát triển mạnh mẽ nhất là biệt thự nghỉ dưỡng (nhiều nhất tại Nha Trang, Phú Quốc) và căn hộ khách sạn – Condotel (nhiều nhất tại Đà Nẵng).
2016 là năm bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng với sự ra đời của hàng trăm dự án lớn nhỏ
Riêng về condotel, đây là loại hình căn hộ được ưa chuộng phát triển nhất trong năm nay nhờ tính ưu việt trong công năng và cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Theo thống kê của CBRE, riêng tại Đà Nẵng, trong quý III/2016 đã có thêm 2.800 căn condotel mới, nâng tổng nguồn cung lên 5.751 căn. Con số này cao gấp 6 lần nguồn cung năm 2015 và cao gấp đôi tổng nguồn cung căn hộ trong 3 năm trước đó.
Mặc dù nguồn cung dồi dào nhưng thị trường vẫn ghi nhận sức tiêu thụ mạnh mẽ của bất động sản nghỉ dưỡng, đa số để kinh doanh hoặc đầu tư lướt sóng. Giao dịch condotel được xem là ấn tượng nhất trong số các loại hình sản phẩm bất động sản năm nay. Các chuyên gia dự báo, làn sóng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2017.
2. Sự vươn lên mạnh mẽ của bất động sản cao cấp
Mặc dù phân khúc trung cấp vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường tuy nhiên trong năm 2016, phân khúc cao cấp đã có sự vươn lên mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu hàng hóa.
Báo cáo của CBRE cho biết, tại thị trường Hà Nội, phân khúc hạng sang đã đánh dấu sự quay trở lại trong quý II/2016 khi ghi nhận 3 dự án được mở bán và ra mắt với khoảng 700 căn. Còn trong quý III/2016, có khoảng 3.000 căn hộ cao cấp và hạng sang gia nhập thị trường, chiếm 45% tổng số căn mở bán.
Tại TP. HCM, trong quý II/2016, căn hộ cao cấp – hạng sang chiếm 22% nguồn cung. Con số này trong quý III/2016 đã nâng lên mức 29%.
Phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016
Điều đáng ghi nhận là không chỉ gia tăng về số lượng, các dự án cao cấp ra mắt trong năm 2016 còn có quy mô đầu tư rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tại Hà Nội đó là các dự án Vinhomes Metropolis, Hanoi Aqua Central, D’.Palais de Louis, Sun Grand City Thuy Khue Residence…
Còn tại TP. HCM, đó là các siêu dự án tỷ USD tại Thủ Thiêm như Empire (1,2 tỷ USD), Ecosmart City (2,2 tỷ USD), Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (6 tỷ USD)…
Làn sóng đầu tư dự án cao cấp phát triển mạnh đến nỗi, ngay từ giữa năm 2016, Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã dự báo nếu không có sự điều chỉnh, phân khúc cao cấp sẽ dư thừa từ giữa năm 2017.
3. Phân khúc nhà giá rẻ đón nhận sự đổ bộ của các doanh nghiệp lớn
Những năm 2012 – 2013, nhà giá rẻ đã từng là phân khúc thống lĩnh thị trường, tuy nhiên khi bất động sản ấm lên, các nhà đầu tư đã đồng loạt rút khỏi phân khúc này để theo đuổi các dự án trung – cao cấp, mặc dù thực tế 70% nhu cầu nằm tại đây.
Từ đầu năm 2016 đến hết quý III, thị trường ghi nhận phân khúc nhà giá rẻ chỉ có nguồn cung khiếm tốn, thường không quá 25% tổng số căn hộ mở bán. Tuy nhiên, vào quý IV/2016, thị trường nhà giá rẻ bất ngờ đón nhận nguồn cung khá lớn tại cả hai thị trường Hà Nội và TP. HCM.
Với sự tham gia của các ông lớn như Vingroup, Geleximco... thị trường bất động sản giá rẻ đã có bước đột phá trong năm 2016
Đặc biệt, vào đầu tháng 12, việc Vingroup tuyên bố sẽ làm từ 20 – 30 vạn căn hộ có giá chỉ từ 700 triệu đồng tại 7 tỉnh thành trên cả nước đã gây ra cơn “địa chấn” đối với thị trường nhà giá rẻ.
Trước đó, Vihajico – đơn vị nổi danh với khu đô thị cao cấp Ecopark – cũng đã bất ngờ ra mắt 2 dự án giá rẻ và bán hết hàng nghìn căn hộ chỉ trong thời gian ngắn. Hai ông lớn khác là Geleximco và FLC cũng nhảy vào cạnh tranh bằng các dự án Gemek Premium, Gelexia Riverside và FLC Garden City.
Sự đổ bộ của các ông lớn và đặc biệt là động thái tham gia của Vingroup đã khiến thị trường nhà giá rẻ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các chuyên gia dự báo trong năm 2017 sẽ có một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các chủ đầu tư nhằm tranh giành thị phần trong phân khúc này.
4. Chính thức kết thúc gói 30.000 tỷ đồng
Sau 3 năm triển khai thực hiện, gói 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấm dứt giải ngân vào 31/12/2016.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/11/2016, chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng). Dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.
Nhóm khách hàng doanh nghiệp (bao gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội) đã được giải ngân lũy kế 5.395 tỷ đồng. Nhóm khách hàng này đã dừng giải ngân bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 01/6/2016. Dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp đạt 3.516 tỷ đồng.
Gói 30.000 tỷ sẽ chính thức chấm dứt vào ngày 31/12/2016 sau 3 năm thực hiện
Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến 31/12/2016 sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Việc kết thúc gói 30.000 tỷ là sự kiện có tác động rất lớn tới sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội. Ghi nhận thực tế trong năm cho thấy, kể từ khi gói ngừng giải ngân, các dự án nhà ở xã hội đã lâm vào cảnh giãn tiến độ và không bán được hàng. Điển hình là các dự án The Vesta của Hải Phát, Bright City của AZ Thăng Long, Bamboo Garden của CEO Group và chuỗi dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân tại miền nam.
Sau kết thúc của gói 30.000 tỷ, Chính phủ đã thông qua việc triển khai một gói tín dụng ưu đãi khác với lãi suất 4,8%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gói ưu đãi này vẫn chưa được triển khai do các bộ ngành chưa thống nhất bố trí nguồn vốn cụ thể.
5. Ban hành Thông tư 06, siết tín dụng vào bất động sản
Tháng 6/2016, Thông tư 06 – sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Theo đó, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ hạ từ 60% trong năm 2016 xuống 50% từ 1/1/2017 và còn 40% từ 1/1/2018.
Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%, được thực hiện bắt đầu từ 1/1/2017.
Thông tư 06 với sự điều chỉnh tỷ lệ vốn cho vay và hệ số rủi ro được xem là một trong những chính sách có tác động nhất đến thị trường bất động sản
Thông tư 06 được đánh giá là một sự điều chỉnh kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trước thực tế tín dụng ngân hàng đang rót mạnh vào các dự án bất động sản, đặc biệt là hiện tượng tập trung vốn cho một số dự án lớn của các tập đoàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của Thông tư 06 lên thị trường bất động sản là khó rõ nét, đó là buộc các doanh nghiệp sẽ phải tìm thêm nguồn huy động vốn để phát triển dự án, qua đó cũng sàng lọc các chủ đầu tư yếu kém, đảm bảo sự lành mạnh và ổn định của thị trường.
6. Công bố hàng loạt dự án thế chấp ngân hàng
Đây được xem là một trong những “quả bom thông tin” gây rúng động thị trường bất đông sản năm 2016.
Xuất phát từ vụ chung cư Harmona (quận Tân Bình, TP. HCM) chậm trả vay và bị ngân hàng siết nợ, đẩy hàng trăm khách hàng vào tình cảnh mất nhà, dư luận đã dấy lên yêu cầu cơ quan chức năng phải công bố thông tin về các dự án thế chấp.
Trước áp lực này, vào cuối tháng 7, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. 1 tuần sau đó, đến lượt Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công bố danh sách 34 dự án trên địa bàn Thủ đô cũng đang trong tình trạng “cắm” nhà băng.
Trong năm 2016 đã có hơn 100 dự án được công khai thông tin thế chấp ngân hàng
Việc công bố danh sách với không ít ông lớn và các dự án đình đám đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường khiến giao dịch sụt giảm mạnh. Ngay sau đó, các chuyên gia đã phải trấn an thị trường bằng cách giải thích việc thế chấp dự án để vay vốn là điều hết sức phổ biến trong kinh doanh bất động sản – vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Sau giải thích của các chuyên gia, thị trường đã dần ổn định và giao dịch trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng sau biến cố này, việc công khai thông tin, đặc biệt thông tin thế chấp đã trở thành một tiêu chí đối với các dự án bất động sản.
7. Công bố hàng loạt dự án không đảm bảo phòng cháy chữa cháy
Đây lại là một “quả bom thông tin” khác của thị trường bất động sản năm nay.
Vào đầu tháng 8, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động) có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan này kiến nghị, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu, không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Phòng cháy chữa cháy tại chung cư là một trong những vấn đề nóng nhất của thị trường bất động sản năm 2016
Điều đáng chú ý là trong số 38 chung cư không đảm bảo an toàn cháy nổ này, Tập đoàn Mường Thanh “đội sổ” với 15 dự án – lập kỷ lục là đơn vị có nhiều dự án vi phạm nhất từ trước đến nay.
Trong năm 2016 cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn chung cư, nhà dân, trong đó thiệt hại nặng nhất là vụ cháy tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết.
8. Đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ
Trong năm 2016, vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP. HCM nổi lên như một trong những mối quan tâm chính của chính quyền hai thành phố.
Tại Hà Nội, UBND thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cải tạo 10 chung cư cũ thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai với tổng số vốn dự kiến lên tới 15 tỷ USD.
Còn tại TP. HCM, UBND thành phố cho biết sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ. Ngoài ra, thành phố còn lên kế hoạch di dời 20.000 nhà ven kênh rạch khác.
Hà Nội và TP. HCM đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy cải tạo chung cư cũ trong năm qua
Chính quyền cả hai thành phố hiện đang nỗ lực thúc đẩy chương trình cải tạo chung cư cũ. Hồi tháng 4, Hà Nội đã cho phép nâng số tầng chung cư cũ lên tối đa 24 tầng, mở ra cánh cửa hút nhà đầu tư, đồng thời xúc tiến xin cơ chế đặc thù.
Việc xin cơ chế đặc thù đã được TP. HCM triển khai khá lâu và đã được Thủ tướng chấp thuận trong năm nay. Theo đó, thành phố được phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng; được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn.
9. Sôi động các thương vụ M&A
Hoạt động M&A trong năm qua khá sôi động với nhiều thương vụ gây tiếng vang. Điển hình là Hải Phát, trong năm 2016, đơn vị này đã thâu tóm một loạt dự án: T2 Victory Thăng Long, CT2-105 Usilk City, 4,7 ha quỹ đất thành phẩm dự án Phú Lương, 7.200 m2 tại Hà Đông.
Ngoài ra còn có Tập đoàn Mường Thanh với thương vụ chi 1.500 tỷ mua lại Cienco5 Land, qua đó chính thức sở hữu dự án Thanh Hà. Sunshine Group chi cả nghìn tỷ mua lại dự án Mai Trang Tower đổi tên thành Sunshine Center. Novaland mua lại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại Đà Nẵng từ tay Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc).
Cienco5 Land và dự án Thanh Hà - thương vụ M&A tai tiếng nhất năm 2016
Các đơn vị nước ngoài cũng hoạt động khá tích cực: Keppel Land mua lại 40% dự án Empire City; CapitaLand chi 52 triệu USD thâu tóm đất vàng phường Cầu Kho, Quận 1, Frasers Centrepoint Limited (FCL) mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển nhà G Homes…
10. Doanh nghiệp “tay ngang” đổ bộ bất động sản
Sự phát triển tốt của thị trường bất động sản năm 2016 đã lôi cuốn không ít các doanh nghiệp tay ngang tham gia. Đáng chú ý trong các doanh nghiệp này là THACO – ông vua ô tô Việt Nam. Tháng 6 năm nay, đơn vị này đã chính thức nắm 90% cổ phần Công ty Đại Quang Minh, qua đó sở hữu dự án Sala tại Thủ Thiêm, TP. HCM.
Ông vua ô tô Việt - THACO - đã chính thức dấn sâu vào bất động sản khi thâu tóm toàn bộ Địa ốc Đại Quang Minh
Bên cạnh đó là sự quay trở lại của tập đoàn Hoa Sen khi doanh nghiệp này lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn để theo đuổi các dự án nghìn tỷ ở Quy Nhơn, Bình Định.
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận sự tham gia của tập đoàn Hoành Sơn, qua vụ thâu tóm đất vàng Công ty Cao su Sao vàng, Đức Long Gia Lai qua vụ đầu tư 5 dự án tại TP. HCM hay ACC Thăng Long với dự án Artermis…
Nguồn: Xuân Hải (Vietnamfinance.vn)