Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở mới với điểm đáng chú ý là cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua chiều 25/11 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 dành riêng một chương (Chương IX) quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức và cá nhân nước ngoài. Điểm nổi bật nhất trong Luật nhà ở sửa đổi lần này là việc nới rộng điều kiện cho thuê mua nhà đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Theo đó, đối với Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: “có quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu”.
Mô hình khu đô thị xanh với tiện ích đầy đủ như ở Ecopark được khách nước ngoài rất quan tâm.
Cụ thể, điều 159 của Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm ba nhóm: Thứ nhất là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài); Thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Khách quốc tế thưởng thức nét văn hóa Việt tại chợ Tết Ecopark.
Bên cạnh đó, cũng điều 159 quy định thêm về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được đánh giá là góp phần tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định trong dài hạn và trước mắt cũng có tác dụng giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản hiện nay.
Ngay sau khi Luật được thông qua, nhận xét về nội dung nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - Lê Hoàng Châu nhận định, việc mở cửa thông thoáng cho người nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Ở góc nhìn tương tự, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho biết:
"Luật nhà ở sửa đổi này sẽ tạo thêm tính thanh khoản cho thị trường nhà ở hiện đang có dấu phục hồi tương đối trên cả nước. Quan trọng hơn là việc sửa đổi luật này sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong khu vực."
"Việc mở cửa chính thức bằng Luật cũng sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2013, lượng kiều hối đã tăng 10% với tổng lượng kiều hối đạt đến 11 tỷ USD, lượng lớn kiều hối này giờ đây có thể yên tâm rót vào thị trường bất động sản."
"Đồng thời, nó cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với phân khúc tài sản hấp dẫn này trong một thị trường mới nổi với những đặc điểm cấu trúc hấp dẫn và những tiềm năng phát triển mạnh mẽ", ông Troy nhấn mạnh.