(Thanh niên) Khi những đặc sản "nhà quê" trở nên hút khách Hà thành, thì ở các hội chợ Tết, loại hàng hóa này luôn đắt khách, thậm chí là cháy hàng.
Nhiều gia đình đưa con đi chợ Tết để trẻ em biết được các nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh: Đan Hạ
Bánh tẻ, nem Phùng, bánh trôi bánh chay, cháo trai, tỏi Lý Sơn, nước mắm Nha Trang, Phú Quốc… là những mặt hàng hút khách tại hội chợ Tết diễn ra tại khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) trong 2 ngày 18.1 và 19.1 vừa qua. Địa điểm diễn ra hội chợ cách trung tâm Hà Nội 20 km, nhưng vẫn thu hút hàng nghìn khách đến tham quan, mua sắm. Các gian hàng đông nghịt khách, song thu hút hơn cả vẫn là những quầy bán đồ “nhà quê” hay đặc sản vùng miền.
Chị Quỳnh, chủ một quầy bán cháo sườn, cháo trai và các món ăn dân dã cho biết, trong ngày đầu tiên khai mạc hội chợ, chỉ đến hơn 11 giờ trưa, cháo sườn nhà chị đã cháy hàng. “Có vị khách Việt kiều gọi liền một lúc hai bát xôi sắn, một bát cháo sườn thịt băm, một bát cháo trai, ăn xong cứ tấm tắc khen ngon”, chị Quỳnh kể. Với người bán, hết hàng là niềm vui, nhưng được nghe phản hồi tốt của khách hàng, niềm vui càng nhân lên gấp bội.
Điểm chung của nhiều hội chợ Tết năm nay là sức hút của đồ nhà quê. Chị Nguyễn Thị Mai, người thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội – nơi có đặc sản nem Phùng cho biết, trung bình, vào mỗi dịp Tết, chị thầu vị trí tại 5-7 hội chợ để bán đặc sản này. Tại hội chợ Tết Ecopark năm nay, chị và các con đem đến hơn 20 kg trong ngày khai mạc 18.1 nhưng chỉ hơn 2 tiếng đã hết veo. “Khách vòng trong vòng ngoài để ăn thử và mua nem về ăn, làm quà biếu Tết”, chị Mai chia sẻ. Theo chị Mai, ở hội chợ Tết năm nay, không chỉ có món nem Phùng đặc sản quê chị, mà những sản phẩm đến từ các vùng miền khác như bánh chả, bún bò Nam Bộ, bún bò giò heo Huế, bánh đa Kế, mật ong rừng Sơn La… cũng được nhiều người hỏi mua.
Ngoài đặc sản, các loại đồ handmade, rau củ sạch trồng tại gia không có hóa chất cũng là một trong những sản phẩm được ưa thích trong hội chợ. Chị Nguyễn Thu Hồng, nhà ở phố Trần Hưng Đạo chia sẻ, chị tiếc hùi hụi vì không mua được tương bần do các nhà sư chùa Dâu làm. “Đi hội chợ, mình thường tìm đến những gian hàng bán đặc sản hoặc đồ nhà quê, vì hàng chắc chắn đảm bảo không bị làm nhái hay có hóa chất”, chị Hồng cho biết. Mua hụt tương bần ngày 18.1, sáng 19.1 chị Hồng lại đến hội chợ để mua bù. Ngoài tương bần, ở hội chợ Tết năm nay, các nhà sư chùa Dâu còn mang đến nhiều sản phẩm khác, trong đó có rau, quả trong vườn chùa, vòng dâu tằm trừ tà cho trẻ sơ sinh và món bánh trôi nóng làm tại bàn.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Việt kiều Mỹ và cũng là người sống tại khu đô thị Ecopark cho biết, hội chợ Tết là dịp để anh giới thiệu cho các con về văn hóa truyền thống của dân tộc. “Các con tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên không có nhiều ý niệm về văn hóa của dân tộc. Nay sống ở Việt Nam, chỉ những dịp Tết tôi mới đưa các cháu đi triển lãm, hội chợ để nâng cao vốn hiểu biết”, ông Chiến nói. Ông cũng cho hay, rất hài lòng với cách bài trí tại hội chợ Tết, vì bên cạnh những không gian hiện đại còn có đan xen những nét văn hóa truyền thống như cây rơm, con gà ấp trứng, ông đồ ngồi viết thư pháp, gánh hàng tào phớ, xôi chè bán rong, chiếc chõng tre dưới lũy tre làng…